RAM (Bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên) là một trong những thành phần cơ bản trên máy tính hay điện thoại thông minh. Nhưng có nhiều quan niệm sai lầm về RAM, chẳng hạn như liệu có thể dùng chung RAM khác dung lượng hay nhà sản xuất hay không?
Trong bài viết này, Bietmaytinh sẽ cố gắng trả lời tất cả các hiểu lầm về RAM mà bạn có thể gặp phải.
Có gì hay? Bấm vào đây ☛
1. “Dùng chung RAM không cùng dung lượng hay hãng sản xuất
Hầu hết máy tính xách tay hoặc máy tính bàn (PC) đều có 2 cho đến 4 khe cắm RAM, điều này giúp bạn dễ dàng nâng cấp khi cần.
Tuy nhiên cũng tạo ra một sai lầm phổ biến là bạn không thể dùng chung các thanh RAM có dung lượng khác nhau hoặc khác hãng sản xuất.
Vậy ta có thể dùng chung các thanh RAM khác nhau không? Tất nhiên là Có nhưng đây không phải là cách tối ưu nhất.
Để thiết bị có hiệu suất tốt nhất, nên sử dụng thanh RAM của cùng một nhà sản xuất, cùng kích thước và cùng BUS RAM.
RAM sẽ hoạt động tốt nhất khi kết hợp với các phần cứng phù hợp. Để có hiệu suất tối ưu, RAM của bạn phải sử dụng cùng điện áp và các bộ điều khiển tương ứng của chúng phải hoạt động tốt với nhau trên bo mạch chủ.
Tuy vậy, điều này không có nghĩa là bạn không thể sử dụng các thanh RAM có kích thước khác nhau. Ví dụ thanh đầu tiên của bạn là 4GB, bạn vẫn có thể thêm thanh 8GB mới. Khi bật chế độ dual channel (kênh đôi), nó sẽ hoạt động như hai thanh 4GB chạy cạnh nhau với hiệu suất tối ưu. 4GB còn lại của thanh 8GB sẽ chạy ở chế độ single channel (kênh đơn).
Nếu dùng 2 thanh RAM khác BUS thì sao? Theo mặc định, máy tính sẽ ưu tiên chạy ở tốc độ của thanh RAM có BUS thấp nhất.
2. “Không cần thêm RAM cho máy tính”
“Dung lượng RAM như này đủ để chạy phần mềm, không cần nâng cấp thêm” là lời khuyên phổ biến của nhiều người.
Ok, có thể nhu cầu và các ứng dụng đang dùng của bạn chỉ cần chừng đó RAM là đủ. Nhưng nhiều RAM hơn có thể giúp máy tính chạy nhanh bạn nghĩ.
Hầu hết các phần mềm trên máy tính đều được lập trình để sử dụng tỉ lệ phần trăm RAM nhất định. Nếu máy tính bạn có nhiều RAM hơn thì phần mềm cũng sẽ dùng nhiều RAM hơn để chạy, từ đó có thể giúp nó chạy nhanh hơn, xử lý nhiều tập tin hơn.
Vậy nếu mở Task Manager lên và thấy RAM còn khá nhiều, ví dụ chỉ dùng khoảng 60% chẳng hạn, liệu có lãng phí? Không hề, 40% còn lại sẽ được chừa để sử dụng cho các tác vụ mà bạn sẽ mở và sử dụng sau này.
Chú ý: Giải thích trên không khuyên bạn tăng càng nhiều RAM càng tốt vì nó không đúng. Thứ bạn cần hiểu là dung lượng RAM trên máy tính dư dã một chút sẽ tốt hơn chỉ đủ dùng.
Tóm lại, máy tính ngày nay yêu cầu RAM có dung lượng tối thiểu là 4GB, với 8GB RAM thì đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng đa số người dùng. Nếu bạn là game thủ hoặc thường dùng các phần mềm đồ họa, video, âm thanh thì dung lượng RAM nên dùng là từ 16GB đến 32GB.
Muốn máy tính chạy nhanh hơn, bạn nên dùng loại RAM có tốc độ nhanh hơn.
3. “Dung lượng RAM là quan trọng nhất”
Khi ai đó nghe chiếc máy tính này có đến 16GB hoặc 32GB thì chắc chắc hầu hết người dùng sẽ nghĩ máy tính này sẽ chạy rất nhanh. Tuy nhiên điều này chưa đúng vì dung lượng RAM không phải là thông số quan trọng nhất.
Thông số bạn cần xem của thanh RAM là tốc độ RAM (BUS RAM). Giống như CPU, RAM cũng có tốc độ xung nhịp. Tốc độ xung nhịp càng cao thì tốc độ đọc ghi dữ liệu càng nhanh. Các thanh RAM thông thường sẽ có BUS RAM là 2400 MHz, 3000 MHz. Còn trên các thanh RAM cao cấp có thể lên tới 3200 MHz hay 3600 MHz.
Nói chung, với người dùng máy tính thông thường thì RAM 8GB hay 16GB không quá khác biệt. Tuy nhiên, nếu thay bằng thanh RAM có tốc độ cao hơn thì tốc độ máy tính sẽ tăng đáng kể.
4. “Giải phóng RAM giúp tăng tốc độ”
Hiểu lầm này xuất hiện từ khi các phần mềm như “Trình tăng tốc RAM “, “Trình tối ưu hóa bộ nhớ” xuất hiện và trở nên phổ biến, tiêu biểu là phần mềm CCleaner. Mình đồng ý là phần mềm này dọn rác ổn nhưng tính năng giải phóng RAM của nó là vô dụng.
Tại sao?
Công việc của RAM không phải là để trống. Trên thực tế, hệ điều hành và phần mềm của bạn sẽ sử dụng hết RAM hiện có. Giải phóng RAM bằng các phần mềm tăng tốc đó không có tác dụng gì. Chưa kể nó còn làm chậm hệ thống của bạn vì nhiều thông tin hữu ích được lưu trên RAM nhằm mục đích tăng tốc độ.
RAM không giống như ổ cứng của bạn. RAM tự động quản lý dữ liệu mà nó lưu giữ, điều chỉnh để lưu giữ dữ liệu được truy cập thường xuyên. Nếu bạn có 4GB RAM, hệ thống của bạn sẽ liên tục ghi, xóa và ghi lại các dữ liệu thường xuyên truy cập trong 4GB đó.
Nếu bạn liên tục lấp đầy RAM, nó có thể dẫn đến nhiều vấn đề về tốc độ khác. Ví dụ hầu hết các hệ điều hành hiện đại đều sử dụng bộ nhớ ảo để chứa thông tin nếu RAM không đủ. Nhưng bộ nhớ ảo thường chậm hơn RAM rất nhiều, dẫn đến việc truy xuất thông tin bị chậm.
Nếu máy tính bạn thường xuyên hết RAM, tốt nhất là mua thêm một thanh RAM lắp vào, mọi thứ sẽ được giải quyết.
5. “Không thể nâng cấp RAM trên Laptop”
Làm gì có việc này, trên laptop bạn có thể nâng cấp RAM nếu muốn, tương tự như trên máy tính bàn (PC) vậy đó.
Tuy nhiên nó cũng phụ thuộc vào mẫu laptop đang dùng. Để tiết kiệm chi phí hoặc giúp laptop mỏng nhẹ hơn, một số mẫu máy sẽ hàn chết RAM trên bo mạch luôn, khiến việc thay thế là không thể hoặc rất khó.
Giống như việc nâng cấp RAM trên máy tính để bàn, việc thay thế RAM trên máy tính xách tay cũng có những hạn chế tương tự. Ví dụ: RAM trong máy tính xách tay của bạn có hình dạng khác nhau, sử dụng hệ số dạng SO-DIMM thay vì hình dạng DIMM thông thường.
Cách tốt nhất là lên Google tìm thông số của mẫu laptop đang dùng, xem nó có cho phép nâng cấp RAM hay không.
Kết luận
Trên đây là top 5 hiểu lầm về RAM mà nhiều người hay mắc phải. Hiểu lầm có lẽ nhiều người mắc là việc “Không thể dùng chung thanh RAM khác dung lượng, tốc độ, nhà sản xuất…” và điều này hoàn toàn sai, bạn có thể dùng chung thoải mái.
Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên sử dụng thanh RAM giống nhau nếu được. Như vậy máy tính sẽ có hiệu suất tốt nhất và ít có nguy cơ hỏng hóc hơn.